Chương 9

 

Nguyễn Hữu Đang

(1913-2007)

 

Nguyễn Hữu Đang là một trong những khuôn mặt trí thức dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ can trường nhất trong thế kỷ XX. Là cột trụ của phong trào NVGP, Nguyễn Hữu Đang đã bị bắt, bị cầm tù, bị quản thúc và mất quyền tự do phát biểu trong 59 năm, từ tháng 4 năm 1958 đến tháng 2 năm 2007, khi ông mất.

Là một trong những người hoạt động cách mạng trong phong trào Cộng sản từ khởi thủy, Nguyễn Hữu Đang sinh ngày 15/8/1913 tại làng Trà Vy, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, mất ngày 8/2/2007 tại Hà Nội. Theo bản "Tóm tắt quá trình hoạt động xã hội của Nguyễn Hữu Đang" do chính ông viết[1], thì từ 16 tuổi, Nguyễn Hữu Đang đã tham gia Học Sinh Hội[2] làm tổ trưởng và đã là đối tượng được kết nạp vào đảng, đó là năm 1929.

 Cuối 1930, bị bắt, bị tra tấn và bị giam 2 tháng rưỡi tại nhà lao Thái Bình. Hè 1931, bị đưa ra toà, nhưng vì tuổi vị thành niên[3] cho nên chỉ bị quản thúc tại quê nhà. Từ 1932 đến 1936, Nguyễn Hữu Đang học trường sư phạm Hà Nội.

1937-1939: tham gia Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương. Biên tập các báo của Mặt Trận như Thời Báo (cùng Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kính), Ngày Mới (cùng Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Đức Kính) và các báo của Đảng Cộng Sản như Tin Tức (cùng Trần Huy Liệu, Phan Bôi), Đời Nay (cùng Đặng Xuân Khu tức Trường Chinh và Trần Huy Liệu).

Từ 1938 đến 1945, hoạt động trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, ở các vị trí: uỷ viên ban trị sự trung ương, huấn luyện viên trung ương, trưởng ban dạy học, trưởng ban cổ động, phó trưởng ban liên lạc các chi nhánh tỉnh.

1943: Gia nhập đảng Cộng Sản Đông Dương, bắt đầu liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường Chinh và thành ủy Hà Nội, nhưng vẫn chưa được chính thức kết nạp vào đảng.

1943-46: Tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn Hoá Cứu Quốc, tiếp tục hoạt động chống nạn mù chữ. Mùa thu 1944 bị Pháp bắt ở Hà Nội và bị giam một tháng tại Nam Định. Được thả, lại tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945 dự đại hội Tân Trào, được bầu vào Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc. Tham gia Chính Phủ Lâm Thời mở rộng, cấp bậc thứ trưởng Bộ Tuyên Truyền. Được cử làm trưởng ban tổ chức ngày lễ tuyên bố độc lập 2/9/1945.

Từ tháng 10/1945 đến tháng 12/1946 giữ các chức vụ: thứ trưởng Bộ Thanh Niên, chủ tịch Uỷ Ban Vận Động Mặt Trận Văn Hoá. Tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc lần thứ nhất tại Hà Nội.

12/1946-3/1948: Làm trưởng ban Tuyên Truyền Xung Phong Trung Ương.

Năm 1947, được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Tháng 4/1948 - 4/1949, phụ trách báo Toàn Dân Kháng Chiến, cơ quan trung ương của Mặt Trận Liên Việt.

Tháng 7/49 - 10/54: Trưởng ban thanh tra Nha Bình Dân Học Vụ.

Tháng 11/54 - 4/58: Tổ chức biên tập báo Văn Nghệ.

Cuối năm 56 đầu năm 57: Tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân Văn. Giúp đỡ tập san Giai Phẩm.

Những dòng trên đây trích theo tài liệu viết tay của Nguyễn Hữu Đang, đã dẫn ở trên. Về NVGP, ông chua thêm: "Những hoạt động này là tự ý làm ngoài công tác, vô tổ chức".

Hoạt động NVGP từ tháng 9/1956, với Nhân Văn số 1, ra ngày 20/9/56, và chấm dứt với Nhân Văn số 6, chưa ra, đã bị đình bản, tháng 12/56.

Tháng 4/1958 Nguyễn Hữu Đang bị bắt trên đường vào Nam.

Ngày 19/1/1960, ông bị đưa ra toà cùng với Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại, và Lê Nguyên Chí.

Bị kết án 15 năm tù, 5 năm mất quyền công dân, tội "phá hoại chính trị". Từ Hỏa Lò chuyển lên Yên Bái, rồi Hà Giang.

1973, được thả cùng với Thụy An, diện "Ðại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris" và bị quản chế ở Thái Bình.

1989, được "phục hồi". 1990 được trả lương hưu.

Từ 1993, được về sống ở Nghiã Đô, ngoại ô Hà Nội cho đến lúc mất.

 

Quyền tự do phát biểu bị tước đoạt

Sau 15 năm tù và 16 năm quản thúc ở Thái Bình (1973-1989), Nguyễn Hữu Đang được về sống tại Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội, và vẫn bị chăm sóc kỹ càng. Điện thoại của ông, cũng như của các thành viên cựu Nhân Văn đều bị kiểm soát, riêng ông không được phục hồi quyền phát biểu, tức là không được quyền trả lời phỏng vấn công khai như những người khác. Sở dĩ có buổi trả lời RFI tháng 9/1995 là nhờ sự tổ chức của Lê Đạt: nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày lễ Độc Lập 2/9/1945, chúng tôi nhờ Lê Đạt hẹn với Nguyễn Hữu Đang, để hỏi ông về việc tổ chức ngày lễ, qua điện thoại nhà Lê Đạt, rồi nhân đó, hỏi thêm ông vài câu về NVGP. Buổi thu thanh này, phát trên RFI, tháng 9/1995[4]. Đó là lần phỏng vấn đầu tiên và cuối cùng. Về sau, không thể liên lạc được với Nguyễn Hữu Đang, mặc dù ông đã có điện thoại riêng, nhưng chỉ nói vài câu, là bị cắt ngay. Vậy sự "phục hồi" chỉ là hình thức, vì trên thực tế, Nguyễn Hữu Đang chưa bao giờ được phục hồi quyền phát biểu tự do như một công dân.

Kỷ luật áp dụng cho ông nghiệt ngã hơn tất cả các bạn đồng hành. Lần cuối cùng chúng tôi về Hà Nội mùa thu 1997, được ông đến thăm 2 lần, nhưng lần nào cũng do ông Vũ Toàn, người của Bộ Nội Vụ -nay là Bộ Công An- chở. Ông Vũ Toàn nay cũng đã mất. Trò chuyện với ông, vì có người của Bộ Nội Vụ ngồi nghe, nên không nói được gì. Những điều không thể hỏi ông qua điện thoại, đến khi gặp cũng không sao hỏi được. Bao nhiêu chi tiết muốn ông soi tỏ về những hoạt động, những khúc mắc ngày xưa, về quãng đời tranh đấu truân truyên, vẫn còn nguyên trong bóng tối.

Ông dặn:"Anh em mình sẽ cố gắng làm chung với nhau một số chương trình văn hoá văn nghệ. Chỉ văn nghệ thôi." Nói như để trấn an người của chính quyền, nhưng không có kết quả: Khi trở lại Paris, chúng tôi đã cố gắng điện thoại nhiều lần để "thực hiện chương trình", nhưng chỉ sau vài câu thăm hỏi là đường dây lại bị cắt, mặc dù đề tài nói chuyện, như đã định trước, chỉ chuyên về văn hóa. Có lần bực quá, ông đã quát lên: "Chúng ta chỉ nói với nhau những chuyện văn hóa văn nghệ, chứ có làm gì phản dân, hại nước đâu mà chúng nó cũng..." Ông chưa dứt lời, tiếng điện thoại đã lại u u... Câu nói dở dang ấy của Nguyễn Hữu Đang, đã gây chấn động trong tôi nhiều năm tháng. Từ đó đến khi ông mất, tôi không bao giờ gọi cho ông nữa, phần vì, không muốn ông bị phiền thêm trong cuộc đời đã quá nhiều thử thách, đớn đau; phần vì, sau này ông nghe không rõ, những người đến thăm thường phải bút đàm.

Cùng trong Nhân Văn, nhưng về cách đối xử, ông được "biệt đãi" hơn cả, “biệt đãi” đến phút cuối. Đám tang Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Trần Đức Thảo... đều đã được cử hành tương đối trọng thể, dù chỉ để che mắt thế gian. Hoàng Cầm, Lê Đạt còn được đọc điếu văn khóc bạn trước linh cữu Trần Dần. Đến Nguyễn Hữu Đang mọi chuyện khác hẳn: Tang lễ cũng được nhà nước cử hành, nhưng mọi sự dường như đều đã toan tính sao cho vừa đủ lệ bộ, trong lặng lẽ, khiến người thân không biết để đến dự. Trước linh cữu ông, hành động Nhân Văn vẫn còn bị chính thức tuyên bố là một "sai lầm".

Chỉ vài giờ sau khi ông mất, chúng tôi đã được tin, cho nên đã kịp thời liên lạc với hai nhà thơ Lê Đạt và Hoàng Cầm để ghi âm những lời tiễn bạn qua điện thoại. Riêng nhà thơ Hoàng Cầm hôm ấy, mặc dù tuổi cao, và sau khi bị ngã, chỉ nằm liệt không còn đi lại được nữa, đã muốn nói thật dài về con người Nguyễn Hữu Đang.

Hoàng Cầm nói không ngừng, nhưng sau khi thu thanh được gần một tiếng, vì sợ ông mệt, chúng tôi đề nghị tạm ngừng để hôm sau thu tiếp. Nhưng cả ngày hôm sau và một thời gian sau nữa, cũng không thể liên lạc lại được với Hoàng Cầm, vì đường dây điện thoại Hoàng Cầm - Paris đã bị chặn.

Như vậy, tiếng nói của những thành viên NVGP, cho đến ngày Nguyễn Hữu Đang mất, 8/2/2007, và sau nữa vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ.

 

Nguyễn Hữu Đang là ai?

Để trả lời câu hỏi này, dĩ nhiên chúng ta không thể bằng lòng với những gì ông đã ghi trong tiểu sử viết tay vừa lược trình ở trên. Bởi những điều được ghi lại, hoặc chính thức công nhận, chưa hẳn đã phản ảnh đầy đủ những gì diễn ra trên thực tế. Ví dụ:

- Hoạt động cách mạng từ 16 tuổi, tức là từ 1929 Nguyễn Hữu Đang đã là đối tượng được kết nạp đảng nhưng mãi đến 1947, mới được chính thức kết nạp.

- Đang ở địa vị hàng đầu, ngang ngửa với Trường Chinh, ông bỏ tất cả để về Thanh Hoá.

- Trong hơn 6 năm: từ 4/1948 đến 10/1954, về mặt chính thức, ông phụ trách báo Toàn Dân Kháng Chiến, cơ quan trung ương của Mặt Trận Liên Việt (từ 4/1948 - 4/1949) và làm trưởng ban Thanh Tra Bình Dân Học Vụ (từ 7/1949 - 10/1954). Hai chức này đều "hữu danh vô thực".

Theo Hoàng Văn Chí: "Cộng sản thành lập nhiều đoàn thể chính trị "hữu danh vô thực" như đảng Dân chủ, dành cho địa chủ và phú thương; Đảng Xã hội, dành cho trí thức, và Mặt Trận Liên Việt, dành cho nhân sĩ và bô lão. Những tổ chức này thực ra chỉ là một tấm bình phong để cộng sản nấp sau giật dây"[5]. Còn theo Hoàng Trung Thông, thì "Cơ quan Bình Dân học vụ dọn lên Việt Bắc. Đang ở lại Thanh Hoá làm "quân sư" cho nhà xuất bản Minh Đức"[6].

 

Hoạt động trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ

Nguyễn Hữu Đang là một trong những người hoạt động rất sớm cho hội Truyền Bá Quốc Ngữ, nhưng ông không phải là người đầu tiên. Về cách làm việc của ông trong hội Truyền Bá Quốc Ngữ, Nguyễn Huy Tưởng viết:

"Anh Nguyễn hữu Đang xuống làm việc cho Truyền Bá Quốc Ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở sở Tài Chính (Hà Nội) xuống đây làm việc nghĩa. Đức hy sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải Phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả một đạo quân chiến bại. Muốn làm một bài thơ tặng anh ấy"[7].

Không biết Nguyễn Hữu Đang đã dùng bao nhiêu bút hiệu trong đời cách mạng và trong thời NVGP. Chỉ riêng bài "Người thuyền trưởng" viết năm 1988 về Nguyễn Văn Tố, ông cũng phải ký hai tên giả: phần đầu Phạm Đình Thái, phần sau Dương Quang Hiệt, nhiều năm sau mới nhập một, ký tên thật Nguyễn Hữu Đang[8]. Nhờ Người thuyền trưởng, ta có thể xác định lại nguồn cội của Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, khác với những gì vẫn được miền Bắc đưa ra. ông viết:

"Mùa hè năm 1938, vào cuối tháng năm, một hôm đọc báo hàng ngày ở một trạm Bưu điện, cách Hà Nội hơn trăm cây số, tôi thấy bài tường thuật buổi cổ động đồng thời cũng là lễ ra mắt của Hội Truyền Bá Quốc Ngữ Bắc kỳ ở sân quần vợt Câu lạc bộ thể thao An-Nam (CSA), mấy nghìn người tới dự, có cả đại diện Thống sứ Bắc kỳ, tổng đốc Hà Đông, đốc lý Hà Nội, chủ tịch Chi nhánh Hội nhân quyền Pháp, bí thư Chi nhánh đảng Xã hội Pháp (SFIO), nhiều nhân sĩ Pháp, Nam nổi tiếng, tôi chăm chú đọc"[9].

Nguyễn Hữu Đang xác định lại một số sự kiện từ trước đến nay vẫn bị chính quyền che đậy, hoặc nói sai đi:

- Hội Truyền Bá Quốc Ngữ được Pháp bảo trợ từ đầu - năm 1938.

- Nguyễn Hữu Đang không phải là một trong những người sáng lập Hội. Ngày khai mạc, ông đang dạy học ở nông thôn, khi về Hà Nội nghỉ hè, tình cờ gặp Đào Duy Kỳ[10], Kỳ khuyên Đang nên đến Hội Trí Tri, phố Hàng Quạt, nhận việc dạy học giúp Hội.

- Có một số thành viên cộng sản tham dự Hội, nhưng Đảng không lập ra Hội này, như các khẩu hiệu: "Diệt giặc ngoại xâm ta có chiến dịch Điện Biên Phủ, diệt giặc dốt, ta có chiến dịch truyền bá quốc ngữ".

- Truyền bá quốc ngữ do Hội Trí Tri, một tổ chức trí thức thời Pháp thuộc chủ trương, Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng. Trong số thành viên xây dựng Hội, có các trí thức như Hoàng Xuân Hãn, tác giả bài vè: i tờ có móc cả hai...

- Trong những tài liệu chính thức, và cả trong bài viết của Nguyễn Hữu Đang, không thấy ông nhắc đến vai trò chủ chốt của Hoàng Xuân Hãn trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, điều này cần được nhắc lại ở đây: Hoàng Xuân Hãn là một trong những người đầu tiên chủ trương việc truyền bá quốc ngữ, ngay khi chưa có hội. Từ năm 1936, khi ở Pháp về, ông đã nghĩ ra phương pháp học chữ quốc ngữ, đặt những câu vè để người bình dân dễ thuộc vần quốc ngữ như: o tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu...

- Nguyễn Văn Tố làm hội trưởng từ 1938 đến 1945. Nguyễn Hữu Đang cho biết: trong "Bảy năm liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tố, về căn bản, đã làm tròn nhiệm vụ". Chỉ sau 1945, chính phủ lâm thời mới quyết định thành lập Nha Bình Dân Học Vụ thay thế Hội Truyền Bá Quốc Ngữ; vai trò thuyền trưởng Nguyễn Văn Tố mới chấm dứt.

 

Xác định lập trường văn hoá

Tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc I

Hội Văn Hoá Cứu Quốc thành lập tháng 4/1943 tại Hà Nội, là một thành viên của Mặt Trận Việt Minh do Đảng Cộng Sản Đông Dương tổ chức và lãnh đạo. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Tiên Phong, xuất hiện công khai từ 10/11/1945 đến 1/12/1946, ra được 24 số[11].

Nguyễn Hữu Đang cho biết, ông tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn Hoá Cứu Quốc. Trên ba số đầu Tiên Phong, Nguyễn Hữu Đang viết 5 bài xác định lập trường của Tiên Phong và Hội VHCQ: Định nghiã hai chữ văn hoá (viết chung với Đặng Thai Mai), Trở lực của văn hoá dưới ách đế quốc[12], Hội nghị văn hoá toàn quốc và nền độc lập Việt Nam[13], Nhận rõ thêm về ý nghiã hai chữ văn hoá: văn hoá tức là... và Hội nghị văn hoá toàn quốc sẽ tổ chức như thế nào[14].

Đó là những bài tiểu luận ngắn xác định lập trường văn hoá của Nguyễn Hữu Đang, hoàn toàn khác biệt với lập trường của Trường Chinh trong bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam[15], và ông chuẩn bị cho việc tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc I, sẽ họp năm 1946 ở Hà Nội.

Theo quảng cáo đăng trên Tiên Phong số 20 (1/10/46) thì Đại Hội Nghị Văn Hoá Cứu Quốc Toàn Quốc sẽ họp từ 11-12-13/10/1946 và có thể kéo dài 1 đến 2 tuần. Nhưng cuối cùng bị đẩy lui, rút gọn và lấy tên là Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc lần thứ nhất, chỉ họp đúng một ngày 24/11/1946. Có hai vần đề đáng chú ý:

• Thứ nhất: Trường Chinh trong Đề cương, in trên Tiên Phong số 1, xác định lập trường văn hoá của Đảng Cộng sản trên ba điểm chính:

- Đảng lãnh đạo tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.

- Nền văn hóa được Đảng chọn là văn hoá XHCN.

- Đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á: triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche) v.v... Làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. Chống chủ nghiã cổ điển, chủ nghiã lãng mạn, chủ nghiã tự nhiên, chủ nghiã tượng trưng v.v...

• Thứ nhì: trên Tiên phong số 2, Trường Chinh chĩa thẳng mũi dùi vào nhóm Tri Tân "phong kiến" và nhóm Thanh Nghị "tư sản", vạch ra những tội của họ đối với cách mạng[16].

Nguyễn Hữu Đang, trong ba số báo đầu, cũng không thua, ông xác định đường lối hoạt động và lập trường văn hoá của Hội Văn Hoá Cứu Quốc một cách thuần tuý văn hoá, không hề đả động đến Đảng, đến xã hội chủ nghiã, và ông coi việc xây dựng văn hoá là xây dựng đời sống tinh thần của con người, đi đôi với công cuộc đấu tranh chống áp bức, nô lệ. Ông chủ trương một nền văn hoá mở rộng, tương giao với các trào lưu khác đương thời và những trí thức không cộng sản. Trong bài ký tên Phóng Viên, tường thuật lại Đại Hội Văn Hoá Toàn Quốc I, chắc do ông viết, có một số thông tin như sau:

"Hai ban kịch Đông Phương và Hoa Lan cổ động ráo riết hai vở kịch lớn Kiều Loan và Lôi Vũ sẽ diễn trong dịp hội nghị", "Hội nghị khai mạc lúc 9 giờ sáng tại Nhà Hát Lớn. Có mặt gần hai trăm đại biểu Bắc, Trung, Nam (...) có mặt đông đủ đại biểu các ngành văn hoá khác, khoa học, triết học... như các ông: Hồ Hữu Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên... Thật là xứng đáng một cuộc Hội Nghị Toàn Quốc, nhất là khi Hồ chủ tịch bước lên đọc diễn văn khai mạc. Bằng một giọng thân ái cụ chúc hội nghị thành công (...) Tiếp lời cụ có bài diễn văn của ông Đào Duy Anh trong ban vận động. Và sau đó thì hội nghị được tin bất ngờ: hội nghị chỉ họp trong một ngày hôm nay thôi. Cái chương trình rộng lớn trong bảy ngày đành phải gác lại. Chỉ còn một buổi chiều nữa thì bế mạc, thì giờ chỉ đủ cho các đại biểu đi đặt vòng hoa trước đài chiến sĩ trận vong"[17].

Đại Hội Văn Hoá Toàn Quốc của Nguyễn Hữu Đang bị tuyên bố "rút gọn" giống như vở kịch Kiều Loan của Hoàng Cầm, vừa diễn xong buổi ra mắt 26/11/1946, tại nhà Hát Lớn Hà Nội, thì bị Trần Duy Hưng lên diễn đàn ra lệnh đình chỉ. Dĩ nhiên lấy lý do chiến tranh.

Nhưng ngoài ra còn có những lý do khác, mà sau này Hoàng Trung Thông, dưới bút hiệu Hồng Vân, bộc lộ trong bài Tên quân sư quạt mo: Nguyễn hữu Đang:

"Khi phân công Nguyễn Hữu Đang đi vận động nhóm Hàn Thuyên, thì hắn trở về mang theo cái chủ trương cần dựa vào Nhật của bè lũ tờ-rốt-kít". "Bất mãn với đoàn thể Văn Hóa Cứu Quốc và nhân cơ hội Đảng chủ trương mở Đại hội văn hóa toàn quốc, Nguyễn Hữu Đang xin ra lập ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc". "Nguyễn Hữu Đang tự động làm mọi việc không thảo luận gì với anh em, không xin chỉ thị của Đảng. Nguyễn Hữu Đang liên hệ với người này người khác, không cần biết thái độ chính trị ra sao"[18].

Điều này giải thích tại sao Đại Hội Văn Hoá Toàn Quốc I, lại có mặt tất cả những nhà văn hoá lớn mà Đảng không mấy thiết tha như: Hồ Hữu Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên... và tại sao đại hội bị đình chỉ, sau một ngày họp.

Qua lời buộc tội của Hoàng Trung Thông, chúng ta còn hiểu rõ nguyên nhân tại sao ngay từ 1929, Nguyễn Hữu Đang đã được coi là "đối tượng kết nạp" mà mãi đến năm 1947, mới được kết nạp vào đảng, rồi ông lại bỏ đảng khoảng một năm sau khi được kết nạp:

"Đang tham gia phong trào đã lâu, nhưng vì đầu óc vô chính phủ và tư tưởng cơ hội nặng nề như vậy cho nên đến năm 1947 mới được kết nạp vào Đảng. Nhưng rồi công không thành danh không toại, Đang sinh ra chán nản. Cơ quan Bình Dân học vụ dọn lên Việt Bắc. Đang ở lại Thanh Hóa làm "quân sư" cho nhà xuất bản Minh Đức (...) Từ ngày đó, Nguyễn Hữu Đang đã tự ý bỏ cơ quan và cũng từ ngày đó Đang đã xa rời hàng ngũ của Đảng. Khoảng năm 1951 thì Đảng cắt đứt sinh hoạt của Đang. Từ đó, khi Cầu Bố, khi Hậu Hiền, Đang luôn luôn chửi Đảng, chửi cách mạng"[19].

Gần hai năm sau, Trường Chinh tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc II, ngày 15/7/1948 tại Việt Bắc, đọc bản Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam, xác định văn nghệ kháng chiến là văn nghệ công nông binh, văn nghệ tuyên truyền. Bỏ Hội Văn Hóa Cứu Quốc, lập Hội Văn Nghệ. Nguyễn Hữu Đang bỏ về Thanh Hoá. Trong 6 năm, từ 48 đến 54, Nguyễn Hữu Đang ngừng mọi hoạt động với chính quyền cộng sản. Ông giúp Trần Thiếu Bảo điều hành nhà xuất bản Minh Đức, tổ chức in lại những sách giá trị thời tiền chiến, đã bị cách mạng lên án hoặc cấm lưu hành, của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, v.v... Đến năm 1951, Đảng chính thức khai trừ Nguyễn Hữu Đang.

Nguyễn Hữu Đang nổi danh vì tài tổ chức, ông đã thành công trong ba chương trình lớn: Tổ chức ngày lễ 2/9/1945, tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc và tổ chức Thanh Niên Xung Phong. Sự thành công của Việt Minh dựa trên sự thành công của ba tổ chức này:

- Được Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày 2/9/1945, để vị chủ tịch đọc diễn văn mắt quốc dân, Nguyễn Hữu Đang kể lại :"Ông cụ giao cho tôi một mình, về rồi tôi tập hợp một số anh em, phương tiện thì chỉ có hai bàn tay trắng, một đồng xu không có, một ki-lô gỗ, ki-lô xi măng cũng không có thì làm thế nào bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn quá như vậy."[20] Và chỉ có 4 ngày. Để tổ chức ngày lễ, ông vận động hội Truyền Bá Quốc Ngữ, hội Văn Hóa Cứu Quốc và hội Hướng Đạo Sinh, cả ba dưới quyền điều khiển của ông. Ông đặt tên cho ngày lễ là Ngày Độc Lập, và ông lấy lại tên Ba Đình mà chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt cho rond point Phủ Toàn Quyền, là vườn hoa Ba Đình. Nguyễn Hữu Đang đã thành công trong việc quy tụ hơn nửa triệu người ở các thành phần khác nhau của dân tộc đến Ba Đình dự Ngày Độc Lập 2/9/1945.

Đó là thành công lớn đầu tiên của Nguyễn Hữu Đang.

Theo Hoàng Cầm, trong thời kháng chiến, Nguyễn Hữu Đang thực hiện hai công trình lớn nữa:

- Tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc năm 1946 ở Hà Nội đoàn kết tất cả các thành phần văn nghệ sĩ và trí thức đứng lên chống Pháp. Lúc bấy giờ hầu hết các văn nghệ sĩ trí thức đều đi theo kháng chiến, rất ít người ở lại trong thành và đó cũng là một thành công của Nguyễn Hữu Đang.

- Lên Việt Bắc, ông Hồ giao cho Nguyễn Hữu Đang nhiệm vụ: thành lập Uỷ Ban Vận Động Thanh Niên Xung Phong Toàn Quốc. Ông đi khắp các tỉnh, các địa phương, để thành lập một tổ chức gọi là Thanh Niên Xung Phong, kêu gọi thanh niên xung phong đi bộ đội hoặc vào các đội dân công, hoặc cổ động bà con đi dân công, làm nhiệm vụ chiến trường, gánh đất, gánh gạo, chăm sóc thương binh... Nguyễn Hữu Đang cũng thành công trong nhiệm vụ đó.

Đối với Trường Chinh, từ hồi còn làm báo Tin Tức, tuy ông Trường Chinh đứng tên nhưng ông Đang làm tất cả. Nhưng sau này, hình như ông Trường Chinh không còn tín nhiệm ông Đang nữa, tất cả các việc ông Đang làm đều do ông Hồ nghĩ ra và trao cho, như việc tổ chức buổi lễ đọc tuyên ngôn Ba Đình, và trong chính phủ lâm thời thì ông Đang làm bộ trưởng Không Bộ - Ministre sans portefeuille[21] tức là rất quan trọng, như con dao pha, chạy chỗ nào cũng được, phải là người tài giỏi và nhiều năng lực lắm.[22]

Nhiều tín hiệu đồng quy ở điểm: sau bản tuyên ngôn Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam, 1948, có sự rạn nứt chung, giữa đảng Cộng Sản và thành phần trí thức độc lập. Nguyễn Hữu Đang là một trí thức độc lập đã theo Đảng từ những ngày đầu, lúc 16 tuổi, năm 1929, và đến năm 1948, Nguyễn Hữu Đang không còn theo cách mạng nữa.

 

Hoạt động trở lại: báo Văn Nghệ

1954, Trường Chinh phái Tố Hữu triệu tập Nguyễn Hữu Đang trở lại và cử Nguyễn Huy Tưởng, bạn thân của Nguyễn Hữu Đang đi mời ông về. Họ đề nghị chức giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, nhưng ông từ chối, ngỏ ý muốn làm biên tập viên báo Văn Nghệ. Nguyễn Hữu Đang phụ trách báo Văn Nghệ từ tháng 11/1954 đến tháng 4/58, mới chính thức ngừng hẳn.

Hoàng Cầm trong băng ghi âm cho rằng:

"Năm 1954, Tố Hữu mời Nguyễn Hữu Đang lên Việt Bắc, đề nghị chức giám đốc Sở Văn Hoá Hà Nội, hy vọng ngày tiếp quản sẽ có một người uy tín đại diện cho văn hoá tại Hà Nội. Tôi đoán ông Đang từ chối vì cho chức đó không xứng với ông. Nếu mời làm bộ trưởng Văn Hoá thì ông nhận, bởi ông nhiều tham vọng lắm, có đầu óc lãnh tụ lắm. Tờ Văn Nghệ, lúc bấy giờ Xuân Diệu làm tổng biên tập[23]. Khi ông Đang mới về, báo in mỗi số khoảng một hai vạn, mà chỉ 10 tháng sau, đến tháng 10/1955, báo in đến bẩy vạn, thì đủ biết tài làm báo của ông Đang"[24].

Về việc Nguyễn Hữu Đang không nhận chức giám đốc Sở Văn Hoá Thông Tin Hà Nội, lập luận của Hoàng Cầm chưa chắc đúng hẳn. Có lẽ Nguyễn Hữu Đang từ chối chức này, vì ông biết là do Trường Chinh, đối thủ của ông -theo lệnh của ông Hồ, miễn cưỡng đề nghị- thì chỉ có thể là "ngồi chơi xơi nước", như chức thanh tra Nha Bình Dân Học Vụ ngày trước, và dù có làm đến bộ trưởng -ông đã từng làm thứ trưởng- thì cũng vậy thôi: bên trên là cả một cơ chế chỉ đạo từ Bộ Chính Trị, Tổng Bí Thư đến Chủ Tịch.

Nguyễn Hữu Đang xin vào báo Văn Nghệ, vì một chủ đích khác và có thể ông đã bàn trước với Lê Đạt: là để "lãnh đạo" hoặc "lũng đoạn" cơ quan văn nghệ lớn nhất của Đảng cùng với Lê Đạt. Bởi vì, trả lời phỏng vấn RFI, Lê Đạt nói:

 "Tôi quen với anh Đang lâu rồi, từ trước"; "Anh Đang chỉ thân với với tôi thôi, anh không thân thiết gì với anh em Giai Phẩm Mùa Xuân". Và theo Hoàng Cầm: "Anh Lê Đạt lúc đó làm bí thư chi bộ của báo Văn Nghệ, tức là người của Tuyên Huấn gửi sang như một nhân viên nhưng thực sự là để lãnh đạo tờ báo vì anh ấy là bí thư chi bộ"[25].

Được Tuyên Huấn gửi sang, nhưng Lê Đạt quá trẻ, lại chưa có sự nghiệp sáng tác, nên khó điều khiển những người như Xuân Diệu. Lê Đạt kể:

"Thời kỳ tôi mới vào báo Văn Nghệ, anh Xuân Diệu cũng ở trong báo Văn Nghệ. Anh Xuân Diệu đang làm thư ký toà soạn thì bị bệnh vào nằm bệnh viện, tôi làm thay. Anh Xuân Diệu rất khó chịu với tôi, anh ấy nói với anh Tưởng là không nên để Lê Đạt làm, vì nó chủ quan lắm, bài của mình cũng bị nó gạt luôn, Lê Đạt còn quá trẻ để làm việc ấy. Anh Tưởng hỏi: Thế thì để ai làm? Anh Diệu bảo việc ấy để Đang làm. Anh Tưởng rất nể anh Đang, nhưng khi anh Tưởng vừa nói là không để tôi làm thì anh Đang mắng luôn: Sao cậu phong kiến thế, để nó làm. Nó làm hơn tớ nhiều. Tớ không làm đâu. Anh Đang rất ủng hộ tôi. Anh Đang là người rất nghệ sĩ, trông có vẻ hắc thế thôi nhưng rất nghệ sĩ, bề ngoài là người cứng rắn nhưng tâm hồn rất mềm yếu. Tôi đã trông thấy anh Đang nhìn một em bé chơi dưới nắng trong nửa tiếng đồng hồ, một cách rất say mê. Về văn nghệ ý kiến của anh ấy rất xác đáng và nhất là về hội họa, anh rất tinh. Chỉ có là anh ấy chưa làm thơ thôi, chứ anh ấy rất hiểu văn nghệ."[26]

Vậy có thể tạm thời kết luận: Việc Nguyễn Hữu Đang xin vào báo Văn Nghệ dường như có chủ đích và đã hẹn với Lê Đạt từ trước: Một người được Tuyên Huấn gửi sang, một người được ông Hồ tin cẩn. Cả hai sẽ nắm tờ báo văn nghệ chính thức của đảng Cộng Sản từ 1954 đến 1958, đưa vào những bài họ viết hoặc họ kiểm soát, thậm chí bỏ cả bài của Xuân Diệu và thực hiện những việc mà họ muốn như phê bình tiểu thuyết Vượt Côn Đảo của Phùng Quán và phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Nguyễn Hữu Đang về báo Văn Nghệ tháng 11/1954.

Đến tháng 4/1955, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu khó chịu, ông ghi trong nhật ký:

"Nguyễn Hữu Đang tiêu cực. Ở đâu cũng thấy không vừa ý. Người có caractère, ở đâu cũng có ảnh hưởng đến anh em. Anh em toà soạn khen là chí công, vô tư, nhưng tư tưởng rất là nguy hiểm. Một điển hình của một chiến sĩ làm cách mạng bất mãn"[27]. "Đầu óc nặng vì bài Đang công kích thuế. Hữu khuynh"[28]. "Học tập tình hình và nhiệm vụ. Đang không học tập. Đúng hôm góp ý kiến cho Tiểu ban thì đến. Đặc biệt đả kích mình: in Gốc đa, Gặp Bác, v.v..."[29].

Sự trở lại của Nguyễn Hữu Đang gây khó khăn cho những người lãnh đạo văn nghệ, kể cả những bạn thân như Nguyễn Huy Tưởng. Mặt khác, trong thời gian này, nhiều biến cố quan trọng xẩy ra:

 Tháng 4/1955, Trần Dần, Tử Phác tổ chức "Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hoá", đòi tự do sáng tác.

Tháng 6/55: Trần Dần, Tử Phác bị bắt.

Tháng 1/1956: Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, bị tịch thu.

Ngày 24/2/1956, Khrouchtchev vạch tội ác của Staline tại đại hội XX đảng Cộng sản Liên Xô.

 Ngày 26/5/1956, Mao Trạch Đông phát động "Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng".

Tháng 8- 9/56 tại hội nghị X, Đảng Lao Động phát động Sửa Sai Cải Cách Ruộng Đất.

 Tháng 8/56: Hội Văn Nghệ được chỉ định tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày.

 

Lớp học tập dân chủ 18 ngày (8/8/56-26/8/56)

Hẳn phải do lệnh của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Đang mới được điều động đứng ra tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày. Trong ngày cuối, ông đã đọc bài tham luận "nảy lửa" chỉ trích những sai lầm của đảng Cộng Sản và của lãnh đạo văn nghệ.

 Trương Tửu đánh giá bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang: "sự việc thực là cụ thể, lời lẽ thực là tha thiết".

Hoàng Cầm cho rằng tinh thần đòi hỏi dân chủ, những thắc mắc có từ kháng chiến, tích tụ lại và bùng nổ lên trong lớp học này.

Lê Đạt kể lại: "Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang (...) Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng: "Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm".(...) tờ báo này chính là tờ Nhân Văn"[30].

Nguyễn Huy Tưởng ghi lại không khí lớp học 18 ngày:

"Nguyễn Hữu Đang nổi lên. Tiếc rằng kéo anh ta về Văn Nghệ để làm rầy rà mình. Chính người chửi mình nhất là Nguyễn Hữu Đang"[31].

Những bực mình và dằn vặt của Nguyễn Huy Tưởng, làm rõ tấm lòng và nhân cách của ông: Mặc dù không đồng ý với Nguyễn Hữu Đang, bị Đang chỉ trích nặng nề, nhưng sau này, Nguyễn Huy Tưởng là người duy nhất trong ban lãnh đạo văn nghệ đã đứng ra bênh vực NVGP, như Lê Đạt thuật lại và chính Nguyễn Huy Tưởng cũng ghi trong nhật ký: đã phản ảnh lên Trường Chinh về vụ Nhân Văn, nhưng vô hiệu.

Về lớp học 18 ngày, trên Nhân Văn số 1 ra ngày 20/9/56, Người Quan Sát tường thuật như sau:
"Trên ba trăm người tham gia học tập đã dần dần từ thảo luận nguyên tắc sáng tác chuyển sang kiểm điểm phong trào, đem lý luận đối chiếu với thực tế, liên hệ bản thân cũng có, nhưng chủ yếu là liên hệ lãnh đạo.

Mà phê bình lãnh đạo ngày nay, nhờ có ảnh hưởng của Đại hội 20 Đảng Cộng sản Liên Xô, thường là rất mạnh bạo chứ không còn e dè, quanh co như cái thời phục tùng mù quáng hoặc có thắc mắc thì trước mặt cả nể, kể lể sau lưng nữa. Anh chị em đã phát huy tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, đem hết nhiệt tình cách mạng ra mà nói thẳng, nói thật, nói hết. Thế là việc học tập trở nên sôi nổi, nhất là ở bước cuối thì người ta có thể nói đến một không khí bừng bừng đấu tranh, làm cho chẳng những giới văn nghệ như cựa mình một cái thực mạnh mà nhiều ngành khác ở thủ đô cũng như thấy rung động lây.

Qua những sự việc mà anh chị em phát hiện cũng như qua những ý nghĩ, tình cảm mà anh chị em bộc lộ, chúng ta đã thấy phong trào văn nghệ trong sáu bảy năm nay đã có những sai lầm nghiêm trọng về mặt lãnh đạo. Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác đã bị vi phạm một cách có hệ thống"[32].

Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc ngày 26/8/56 chỉ trích đường lối văn nghệ của Đảng được "cử toạ hoan hô nhiệt liệt". Qua lời tổng kết của Nguyễn Đình Thi và lời tự kiểm thảo của Tố Hữu, bộ phận lãnh đạo văn nghệ đã phải "thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sẽ sửa chữa".

Dựa vào những biến động ở Liên Xô và Trung Quốc, vào sự đồng thuận của đông đảo trí thức văn nghệ sĩ, vào thế yếu của lãnh đạo sau chính sách Cải Cách Ruộng Đất, Nguyễn Hữu Đang, đứng ra cổ động trí thức, hướng dẫn phong trào và chủ trương báo Nhân Văn, với ý định cải tổ lại nền chính trị miền Bắc Việt Nam.

 

Nhân Văn Giai Phẩm

Nguyễn Hữu Đang đã tìm đúng thời cơ: Trong nước, vị thế của Trường Chinh và đảng Cộng Sản yếu đi sau chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu. Ngoài nước, việc hạ bệ Staline ở đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô, là những lực đẩy khuynh hướng tranh đấu cho tự do dân chủ có cơ hội hành động. Nguyễn Hữu Đang, với tài tổ chức và hùng biện trong lớp học 18 ngày, đã chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến.

 Ông nắm lấy cơ hội, đứng ra tổ chức NVGP với những người bạn đã hoạt động trong kháng chiến: Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo; với Lê Đạt, Hoàng Cầm đã làm Giai Phẩm Mùa Xuân. Vai trò chủ động của Nguyễn Hữu Đang trong NVGP được xác nhận từ nhiều phía:

Những người trong ban biên tập báo Nhân Văn như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Duy đều xác nhận vai trò chủ chốt của Nguyễn Hữu Đang. Cả Trần Dần, dù không thích ông, cũng ghi trong bài "thú nhận": "Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo... mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn".

Nguyễn Hữu Đang được coi là "đầu sỏ", Mạnh Phú Tư buộc tội:

"Hắn lẩn mình và... rút lui vào bí mật. Suốt bốn số báo đầu, người ta không thấy một bài nào ký tên Nguyễn Hữu Đang! (...) Người ta không thấy tên tuổi Nguyễn Hữu Đang trên những số đầu báo Nhân Văn, nhưng chính hắn là linh hồn của tờ báo. Hắn tìm tiền, kiếm giấy, thu xếp việc ấn loát và viết bài nhưng lại ký tên người khác. Hắn che lấp những nguồn tài chính, những kẻ cung cấp phương tiện bằng hình thức dối trá là nêu danh những người góp tiền in báo có một nhân lên gấp mười! Hắn họp hành bí mật với một số nhà văn chống Đảng, với những người tư sản và trí thức cũng đang muốn lợi dụng thời cơ để phất lên lá cờ chính trị. Hắn luôn luôn bàn mưu, lập kế với bọn Trương Tửu v.v... Hắn có tay chân trong một hai đoàn kịch tư nhân, ở một vài cơ quan văn hoá của Nhà nước. Thông qua tờ báo Nhân Văn, hắn đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị..."[33].

Tuy ít bài ký tên thật, nhưng dấu ấn của ông không thiếu trên báo Nhân Văn:

Nguyễn Hữu Đang thực hiện những bài phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ về vấn đề dân chủ. Trong Nhân Văn số 1, có bài tựa đề: "Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng" ký tên XYZ. Rất ít người biết XYZ (tên gọi thành phần Cố Nông trong Cải Cách Ruộng Đất) là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh, trừ Nguyễn Hữu Đang. Trong bài này, tác giả dùng giọng của ông Hồ để "giáo huấn" cán bộ, ý giễu cợt vị chủ tịch. Bài "Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị - Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân Dân", trên Nhân Văn số 2, ký tên Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy, do Nguyễn Hữu Đang viết- theo lời Trần Duy. Bài này xác định biệt tài bút chiến của Nguyễn Hữu Đang. Ông trả lời từng điểm sự buộc tội Nhân Văn của báo Đảng, với một lập luận châm biếm, sắc bén, không nhân nhượng. Bài Cần phải chính quy hơn nữa, trên Nhân Văn số 4, là bài xã luận đầu tiên ông ký tên thật. Trong bài này, ông xác định lập trường chính trị của nhóm Nhân Văn và công khai đòi tự do dân chủ, đòi thiết lập một nhà nước pháp trị. Bài "Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? trên Nhân Văn số 5, ký tên thật, mạnh hơn nữa, ông đòi tự do dân chủ phải được thể hiện trên hiến pháp và trên thực tế, đòi quyền sống tự do của con người trong một chính thể dân chủ, một nhà nước pháp quyền.

Ba mươi chín năm sau, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố trên RFI:

 "Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống -không phải chống Đảng Cộng Sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức, Ðăng ký hộ khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm Tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng cảnh giác, chúng tôi theo đảng Cộng Sản nhưng chống chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Nhưng rất tiếc là lúc bấy giờ, thế lực của Liên Xô rất mạnh, áp lực của Trung Quốc cũng rất mạnh cho nên cuộc đối thoại ấy không có kết quả"[34].

Nguyễn Hữu Đang là một khuôn mặt chính trị, văn hoá và đấu tranh, hiếm có trên chính trường Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Một người theo đảng từ 16 tuổi, hiểu rõ hơn ai hết quy luật tuân thủ của một cán bộ cộng sản. Nhưng ông đã đi ra ngoài trật tự ấy. Nguyễn Hữu Đang luôn luôn giữ vị trí tự do trong hành động cũng như tư tưởng của mình.

Khi được giao phó trách nhiệm tổ chức văn nghệ sĩ trí thức toàn quốc đi theo kháng chiến, ông đã làm.

Khi được giao phó trách nhiệm tổ chức thanh niên xung phong chống Pháp, ông đã làm.

Làm trong tư thế của một người yêu nước, tự do.

Chính trong tư thế tự do ấy, ông đã đứng lên lãnh đạo NVGP, đã tạo được một thời kỳ sôi nổi, trong vòng bốn tháng, trí thức và văn nghệ sĩ, dám nói, dám viết những điều mình nghĩ, dám chủ trương cải tiến xã hội Việt Nam thành một nước dân chủ theo đà tiến của thế giới bên ngoài.

Nhưng Nguyễn Hữu Đang đã thất bại. Sự thất bại của Nguyễn Hữu Đang cũng là sự thất bại chung của một dân tộc. Và hậu quả còn kéo dài đến ngày nay: nước Việt là một trong những nước cuối cùng, ở thế kỷ XXI, vẫn còn chưa tự nhận diện, để đòi hỏi những quyền cơ bản và tất yếu nhất của con người, đầu tiên là quyền tự do tư tưởng.


 

[1] Tài liệu diendan.org.

[2] Tổ chức thuộc Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, rồi Đông Dương Cộng Sản Đảng.

[3] Trên giấy tờ, rút tuổi, khai sinh năm 1916.

[4] Có thể nghe lại trên http://thuykhue.free.fr

[5] Hoàng Văn Chí, Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, trang 102.

[6] Hồng Vân (Hoàng Trung Thông), Tên quân sư quạt mo: Nguyễn Hữu Đang, Văn Nghệ số 12 tháng 5/58.

[7] Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ngày 16/6/1942.

[8] Bài Người thuyền trưởng viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hội Truyền Bá Quốc Ngữ (1938-1988), đăng trong kỷ yếu của Hội, do Bộ Giáo Dục in, đăng lại trên Diễn Đàn, số 78, Paris, tháng 10/1998 và diendan.org.

[9] Trích Người thuyền trưởng.

[10] Em trai Đào Duy Anh.

[11] Sưu tập của Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận, nxb Hội Nhà Văn, 1996.

[12] Tiên Phong số 1, ra ngày 10/11/45.

[13] Tiên Phong số 2, 1/12/45.

[14] Tiên Phong số 3, 16/12/45.

[15] Được coi là văn bản lịch sử của đảng Cộng Sản từ 1943, in lại trên Tiên Phong số 1.

[16] TR.CH. [Trường Chinh], Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá Việt Nam mới lúc này, Tiên Phong số 2 ra ngày 1/12/1945.

[17] Phóng viên, Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc lần thứ nhất 24/11/1946, Tiên phong số 24, ra ngày 1/12/1946.

[18] Hồng Vân (Hoàng Trung Thông), Tên quân sư quạt mo: Nguyễn Hữu Đang, Văn Nghệ số 12 tháng 5/58.

[19] Hồng Vân Hoàng Trung Thông, bđd.

[20] Trả lời phỏng vấn RFI

[21] Trong bản tiểu sử, Nguyễn Hữu Đang ghi: Thứ trưởng Tuyên Truyền và thứ trưởng Thanh Niên. 

[22] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.   

[23] Theo Lê Đạt, Xuân Diệu làm thư ký toà soan. Thời ấy chức thư ký toàn soạn là làm tất cả, tương đương với tổng biên tập sau này.

[24] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.

[25] Theo băng Hoàng Cầm nói chuyện vói bạn bè. 

[26] Lê Đạt nói chuyện với RFI, sau khi Nguyễn Hữu Đang mất.

[27] Nhật ký NHT ngày 21/4/55,  Nxb Thanh Niên, 2006.

[28] Nhật ký NHT ngày 24/4/1955.

[29] Nhật ký NHT ngày 23/6/1955.

[30] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.

[31] Nhật ký NHT ngày 21/8/56.

[32] Trích bài Chuẩn bị Đại Hội Văn nghệ Toàn quốc - Một đợt học tập và đấu tranh của giới văn nghệ, Nhân Văn số 1, ra ngày 20/9/56.

[33] Mạnh Phú Tư, Báo Độc Lập, số 356, ra ngày 24/4/1958, BNVGPTTADL in lại, trang 49-50.

[34] Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI tháng 9/1995.

 

 


© 1984-2012 Thụy Khuê